Nói với bạn trẻ về năng lượng sạch
Một nhóm cựu du học sinh chương trình học bổng Chevening (Anh) đem dự án thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tái tạo về Đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu từ nâng cao nhận thức cho học sinh tại Cần Thơ.
Chương trình tập huấn "Nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tái tạo hướng tới mức thải ròng bằng 0 ở Đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức vào hai ngày cuối tuần qua cho học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Với sự tài trợ của quỹ dành cho cựu sinh viên Chevening, nhiều học giả có chuyên môn về năng lượng và môi trường cùng chuyên gia địa phương cùng chia sẻ.
Sinh ra tại Cần Thơ, Lưu Nguyễn Nguyệt Minh muốn kết nối, tạo nhiều tác động tích cực cho quê hương. Được truyền cảm hứng từ lần tham gia nghiên cứu về điện gió tại TP Swansea (Xứ Wales), Minh ấp ủ một dự án về năng lượng tái tạo, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhiều lợi thế phát triển điện gió.
"Ngay khi về nước, mình đã mong làm một dự án về năng lượng tái tạo bởi tài nguyên tự nhiên nắng và gió tại Việt Nam dồi dào. Mình muốn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong những năm tới", Minh nói.
Một số kỹ sư, giảng viên tại Trường ĐH Cần Thơ đa phần đều thuộc thế hệ 9X cùng tham gia. Nguyễn Thị Anh Thư, một học giả Chevening với chuyên môn về môi trường và năng lượng, đã chia sẻ với học sinh kiến thức về năng lượng sạch.
Chị Thư gợi ý về những việc các bạn có thể làm ở nhà, trường học về sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Kỹ sư xây dựng Bùi Minh Đức (Cần Thơ) cùng nhóm chuyên gia đầu tư làm mô hình mô tả trực quan về bốn hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo. Mô hình giúp học sinh tìm hiểu nguyên lý của ba loại năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và thủy điện) phổ biến ở nước ta hiện nay. Sau khi nghe giới thiệu, các bạn nhỏ tự tạo một mô hình và thuyết trình bằng tiếng Anh.
Anh Đức giới thiệu bốn hệ thống sản xuất năng lượng tái tạo gồm: điện mái mặt trời cho hộ gia đình, pin mặt trời tự động xoay theo hướng nắng, giả lập thủy điện, mô phỏng trụ điện gió.
Các hệ thống đều sinh ra điện làm sáng đèn ngay trên mô hình. Anh Đức cùng nhóm áp dụng công nghệ lập trình, tự động hóa, công nghệ in 3D và tặng lại mô hình này cho trường phục vụ giảng dạy.
Cùng với chương trình tại trường học nói trên, dự kiến còn các hoạt động khác góp phần nâng cao nhận thức về năng lượng sạch cho học sinh trên địa bàn, tiến đến hành động cho thế hệ trẻ.
"Dự án rất bổ ích khi giúp học sinh kết hợp kiến thức được học từ sách vở với các tiếp cận thực tế. Chúng tôi cũng say mê, nói gì học sinh tham gia dự án", Phó hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm Trương Thụy Thiên Hương chia sẻ.